Chế độ dinh dưỡng cho trẻ tự kỷ: Nên và không nên ăn gì?
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ tự kỷ là điều vô cùng quan trọng bên cạnh các phương pháp can thiệp, trị liệu.
Hội chứng tự kỷ đang trở thành vấn đề đáng lo ngại của nhiều bậc phụ huynh trong nước nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Chính vì chưa xác định được nguyên nhân cụ thể và cách chữa trị tận gốc hội chứng này, cha mẹ nên cố gắng can thiệp bằng các phương pháp tâm lý và đưa ra chế độ dinh dưỡng cho trẻ tự kỷ phù hợp nhất.
Trẻ tự kỷ cũng cần một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng theo từng độ tuổi không khác gì so với trẻ bình thường. Tuy nhiên, đối với trẻ tự kỷ các mẹ cần lưu ý một số điều dưới đây, nhằm tránh những tác động không tốt từ những thực phẩm gây ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh cũng như sự phát triển thể lực của trẻ.
Trẻ tự kỷ không nên ăn gì?
- Bột mỳ, bột ngũ cốc, đường, chất kích thích. Theo các nhà nghiên cứu cũng như sự trải nghiệm của đại đa số phụ huynh có con bị tự kỷ: những chất như gluten, carbonhydrate, casein có nhiều trong ngũ cốc, bột mỳ, đường là những thành phần dễ làm trẻ tự kỷ bị kích thích. Khi sử dụng những thực phẩm này, ở đại đa số hệ thần kinh ở trẻ tự kỷ đều bị kích thích khiến trẻ có biểu hiện tăng động, cười hoặc cáu liên tục mà không rõ nguyên nhân. Vì vậy các mẹ nên hạn chế tối đa hoặc dùng với số lượng ít những sản phẩm có thành phần từ bột mỳ, lúa mạch, đường, cà phê...
- Về nước uống: Không nên uống các loại sữa tươi, đặc biệt là các loại có đường, các loại nước ngọt, nước có ga, các loại nước có chất kích thích như cà phê vì trong đó rất nhiều đường và phẩm màu ảnh hưởng đến bộ não của trẻ. Thay vào đó có thể dùng sữa đậu nành, sữa dừa, sữa gạo, sữa khoai tây, nước ép hoa quả.
- Hoa quả: Hạn chế cho trẻ ăn các loại quả có múi như: cam, chanh, bưởi… bởi trong những loại quả này có chứa hàm lượng các chất lên men, gây tích tụ nấm khiến trẻ mất ngủ, không kiểm soát được hành vi.
- Thuốc: Hạn chế việc cho trẻ uống thuốc ngủ để hệ thần kinh của trẻ không bị kích thích. Thay vì cho trẻ uống thuốc ngủ, hãy bổ sung cho trẻ những thực phẩm như: chuối, trứng, cá, các bộ phận từ cây sen và có kế hoạch cho trẻ vận động.
Trẻ tự kỷ nên ăn gì?
- Rất nhiều trẻ tự kỷ gặp vấn đề về hệ tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón…Vì vậy, hãy bổ sung các thức ăn giàu omega 3, probiotics có trong sữa chua, các sản phẩm từ sữa và các sản phẩm từ đậu nành. Tuy nhiên, nên tìm các loại không đường hoặc ít đường.
- Nên thêm nhiều hành tây, tỏi vào trong khẩu phần ăn của trẻ vì hành tây kích thích hệ miễn dịch ở trẻ, tỏi có khả năng chống nấm, những ký sinh gây hại và virus. Dầu oliu, axit oleic sẽ giúp hệ thống miễn dịch của trẻ hiệu quả. Ngoài ra, nghệ vàng, bí đỏ cũng là một loại thực phẩm rất tốt cho những người có hội chứng tự kỷ vì trong nghệ và bí đỏ có chất chống viêm, kháng khuẩn, chống nấm và làm tăng cường hệ thống miễn dịch, chống lại các vi khuẩn gây bệnh.
- Tăng cường các loại quả mọng tươi có chứa nitrilosides, vitamin A như: táo, xoài, dưa đỏ, mơ, khoai lang, bí đỏ, ngọn bí và rau xanh các loại.
Lưu ý:
Cần chú ý cân bằng về dinh dưỡng cho trẻ nhưng không nên ép trẻ ăn những đồ mà trẻ không thích vì trẻ rất dễ bị kích thích, nổi cáu khi phải ăn những đồ đó, đôi khi gây cho trẻ tâm lý sợ ăn. Nếu phụ huynh muốn tập cho trẻ ăn món mới thì nên trộn thức ăn đó với thức ăn trẻ đang thích rồi tăng lên từ từ. Nếu trẻ không muốn dùng muỗng thì nên đưa cho trẻ cái muỗng không trước hai lần. Trẻ nghĩ muỗng trống nên không chống lại chuyện đút muỗng vào miệng. Đến lần thứ ba mới đưa một ít thức ăn vào muỗng. Tương tự, cha mẹ muốn đưa loại thức ăn mới thì nên để sẵn thức ăn đó trên bàn, cho trẻ đụng vào, ngửi, liếm, cắn một miếng và cho trẻ nuốt. Có thể mất một ngày hoặc một tuần để trẻ quen với sự thay đổi này.
Bên cạnh đó, không nên ép trẻ ăn đúng giờ theo người bình thường vì ở trẻ tự kỷ việc phải ăn uống đúng giờ là điều rất khó khăn, đặc biệt là với những trẻ từ 2 -3 tuổi.